Vì sao nên mua nhà ở khu đông sài gòn

VÌ SAO NÊN CHỌN MUA NHÀ KHU ĐÔNG?

TP.HCM tại thời điểm này cũng như tương lai, khu Đông và khu Nam là hai nơi duy nhất đáng sống. Tuy nhiên, nếu như trước đây, khu Nam vượt khu Đông do có vệ tinh Phú Mỹ Hưng cùng hàng loạt đại gia địa ốc đổ tiền vào, thì nay, khu Nam đang dần nhường ngôi đầu cho khu Đông.

Vì sao? Chi phí đầu tư hạ tầng khu Nam lớn hơn khu Đông do (khu Nam) có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, độ lún cốt nền lớn, chi phí san nền cao, hạ tầng kỹ thuật khó thiết kế. Vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, kéo theo thực trạng úng ngập tại khu Nam diễn biến phức tạp hơn, cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường (bãi rác Đa Phước) cũng ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như tâm lý của người mua nhà. Trong khi đó, ở khu Nam, muốn vào trung tâm chỉ có độc đạo 2 tuyến đường (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ) đều bị kẹt cứng giờ cao điểm.

Còn tại khu Đông, hạ tầng cơ bản tốt hơn khu Nam. Cùng với Xa lộ Hà Nội được mở rộng, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 1 đã vận hành từ lâu. Hầm Thủ Thiêm (kết nối quận 1 với khu Đông qua đại lộ Mai Chí Thọ) chỉ cần 3 phút là nhảy từ quận 1 sang quận 2. Cầu Bình Lợi cũng đã thông xe nhiều năm trước. Tương lai tiếp tục có cầu Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 3. Khu này cũng có 2 đường cao tốc: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đã vận hành) và Bến Lức – Long Thành (đang khẩn trương xây dựng). Đặc biệt, tuyến Metro đầu tiên của TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ được vận hành trong vài năm tới.

Ông anh Trần Khánh Quang bảo khu Nam dành để ở, khu Đông dành thương mại. Ý này tôi không đồng tình cho lắm. Khu Đông khó phát triển thương mại bởi khu này là nơi trung chuyển giữa Sài Gòn với các tỉnh miền Đông, Trung, Bắc nên khó cho thương mại, chỉ có thể dành cho dịch vụ Logistics.

Trong tương lai, cùng với việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, khu Đông tiềm năng trở thành nơi an cư lý tưởng của các chuyên gia, thương nhân nước ngoài công tác, làm việc tại Việt Nam, cũng như thuận lợi phát triển nhà ở dịch vụ, khách sạn…

Hiện khu Đông là khu vực có KHÔNG GIAN MỞ nhất của TP.HCM – nơi kết nối Đông, Tây, Nam, Bắc bằng cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Khu Đông cũng có quỹ đất khá lớn, cốt nền cao, nền đất cứng, thuận lợi để xây dựng các dự án lớn, cao tầng.

Trên đây là những phân tích bước đầu về chuỗi bài viết “Nhận diện diện mạo khu Đông”. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài phân tích tiếp theo.

KHU ĐÔNG: THIÊN ĐƯỜNG DÀNH CHO NGƯỜI TRẺ

Như bài trước chúng tôi đã phân tích, khu Đông có hạ tầng kỹ thuật cơ bản tốt hơn các khu vực còn lại của TP.HCM. Tuy nhiên, điểm yếu của khu Đông lại nằm ở chất lượng dân cư.

Trước đây, khu Đông vốn không dành cho tầng lớp cư dân đô thị có thu nhập trung bình cao, bởi nơi đây sở hữu “tam giác quỷ”, nơi giao nhau giữa 3 vùng ranh Sài Gòn – Đồng Nai – Bình Dương, trú ngụ của phần lớn người nhập cư đến từ mọi vùng miền trong cả nước. Khu này nổi tiếng của tội phạm trộm, cướp, cũng là khu vực gây nỗi ám ảnh về mất an ninh, trật tự.

Bù lại, khu Đông là nơi đặt “đại bản doanh” của các trường đại học thành viên của ĐHQG TP.HCM cùng các trường đại học lớn khác với trên 100.000 tân sinh viên tụ hội về đây mỗi năm. Đồng thời, nơi đây có Khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, cùng với hệ thống trường đại học, đào tạo và cho ra lò nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như cung cấp sản phẩm chủ lực, mang hàm lượng chất xám cao của thành phố.

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền TP.HCM lại chọn khu Đông (gồm quận 2, 9, Thủ Đức) để xây dựng “Khu đô thị sáng tạo”, mà sáng tạo thì nguồn lao động trẻ phải giữ vai trò tiên phong. Và, cũng không phải ngẫu nhiên khi TP.HCM chọn xây dựng tuyến metro tỷ đô (Bến Thành – Suối Tiên), là tuyến metro đầu tiên của thành phố nối trực tiếp lõi quận 1 với khu Đông. Trục metro này sẽ hút một lượng lớn cư dân khi hàng loạt dự án bất động sản mọc lên như xương sườn tựa vào cột sống.

Nói về lợi thế khu Đông, không thể không nhắc đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mặc dù khu đô thị này đã bị nhóm lợi ích (liên minh DN_QC) xâu xé nhưng trong dài hạn sẽ là trung tâm mới của TP.HCM, thu hút tầng lớp tri thức trẻ có thu nhập tốt (hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế).

Có thể thấy, những năm gần đây, phần lớn nguồn vốn ngoại (lên tới gần 80%) đổ vào khu Đông. Và, trong tương lai không xa, khu Đông sẽ trở thành “đại bản doanh” của các tập đoàn toàn cầu, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực cùng chính sách hướng Đông của chính quyền thành phố.

Return back to Tư Vấn Mua Nhà Ở

Return back to Home